Thứ 4, 02/07/2025, 01:01[GMT+7]

Sắp xảy ra đợt bão từ mới tác động đến hệ thống công nghệ toàn cầu

Thứ 3, 01/07/2025 | 14:54:53
456 lượt xem
Ngày 30/6, các nhà thiên văn học đã phát hiện một đợt phun trào nhật hoa (CME) từ Mặt Trời đang hướng về Trái Đất.

Ảnh minh họa.

Dự báo, hiện tượng này sẽ tiếp cận hành tinh của chúng ta vào ngày 2/7, có khả năng gây ra các hiện tượng cực quang rực rỡ, đồng thời tác động đến một số hệ thống công nghệ quan trọng.

Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) trực thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), đợt CME lần này xuất phát từ một vết đen lớn trên bề mặt Mặt Trời vào sáng ngày 30/6. Các thiết bị quan trắc đã ghi nhận tốc độ di chuyển nhanh bất thường của luồng plasma từ vụ phun trào, với khả năng va chạm vào tầng điện ly Trái Đất trong khoảng từ tối 1/7 đến rạng sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam).

CME là hiện tượng giải phóng khối lượng lớn hạt mang điện từ vành nhật hoa của Mặt Trời vào không gian. Khi các hạt này va chạm với từ quyển Trái Đất, chúng có thể gây ra các cơn bão địa từ và tạo nên hiện tượng cực quang - dải ánh sáng rực rỡ ở hai vùng cực Bắc và Nam.

Dự báo của SWPC cho biết, chỉ số Kp - thước đo mức độ hoạt động địa từ - sẽ tăng lên mức 5 vào ngày 2/7, tương ứng với mức "bão địa từ nhẹ". Với mức này, cực quang có thể được nhìn thấy tại nhiều khu vực ngoài vòng Cực Bắc thông thường như miền bắc Canada, Alaska, Iceland, và thậm chí ở các bang phía bắc của Mỹ như Minnesota, Montana, hay North Dakota nếu điều kiện bầu trời quang đãng.

Một số dự báo quốc tế còn cho rằng, nếu CME diễn biến mạnh hơn dự đoán, cực quang có thể lan xuống các vĩ độ thấp hơn, tạo nên khung cảnh hiếm gặp ở những khu vực không thường xuyên chứng kiến hiện tượng này.

Đài quan sát động lực học Mặt Trời của NASA chụp được hình ảnh về một đợt bùng phát mặt trời, xuất hiện như một tia sáng chói ở phía bên phải, vào ngày 13/5/2025. 

Mặc dù bão Mặt Trời ở cấp độ nhẹ thường không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, nhưng chúng vẫn tiềm ẩn rủi ro cho các hệ thống công nghệ hiện đại. Cụ thể, các sóng xung kích điện từ từ CME có thể làm gián đoạn tạm thời hoạt động của vệ tinh, định vị GPS, thông tin vô tuyến tầm xa và các hệ thống điện lưới ở một số khu vực nhạy cảm.

SWPC khuyến nghị các đơn vị vận hành vệ tinh và cơ sở hạ tầng điện lực giám sát chặt chẽ các tín hiệu từ không gian trong 48 giờ tới. Trong trường hợp xảy ra bão địa từ mạnh hơn dự báo, các biện pháp giảm thiểu như chuyển vệ tinh sang chế độ an toàn hoặc phân tải điện lưới có thể được kích hoạt.

Theo: vtv.vn

  • Từ khóa