Thứ 5, 08/05/2025, 00:50[GMT+7]

Tự hào chiến sĩ Điện Biên

Thứ 4, 07/05/2025 | 08:34:56
840 lượt xem
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX. Những ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận đánh khốc liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn hào hay cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa.

Ông Trần Ngọc Bảo (người thứ hai từ trái sang), thôn Nha, xã Thái Giang (Thái Thụy) ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tự hào chiến sĩ pháo cao xạ 

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi vinh dự gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Trần Ngọc Bảo, thôn Nha, xã Thái Giang (Thái Thụy) - một trong những nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Năm nay 90 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút nhưng khi nhắc đến trận đánh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, ông Bảo tự hào, phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng dầm mình trong mưa bom, bão đạn bằng tất cả những ký ức và cảm xúc của một người từng vào sinh ra tử. Theo dòng hồi tưởng, ông tâm sự: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chiến sĩ pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 367. Để chuẩn bị cho chiến dịch, bộ đội ta phải kéo những khẩu trọng pháo lên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm. Kéo pháo đến đâu chiến sĩ ta ngụy trang đến đó. Trong khi khẩu trọng pháo nặng 2,4 tấn cùng nhiều phụ kiện như đạn dược, khí tài khác rất nặng, thực dân Pháp oanh tạc đánh phá cầu đường suốt ngày đêm làm cho việc hành quân rất khó khăn. Khi đã về nơi trú ẩn an toàn, nhiều chiến sĩ mới phát hiện mình bị trầy xước, máu chảy khắp mình. Gian nan, vất vả là vậy nhưng chúng tôi rất lạc quan. Ngày 13/3/1954, pháo cao xạ của Trung đoàn 367 bắt đầu bắn trong trận đánh mở màn tại Him Lam. Ngay sau đó, chiếc máy bay trinh sát “Moran” đầu tiên của Pháp bị Trung đoàn 367 bắn rơi. Sự xuất hiện của pháo cao xạ tại Điện Biên Phủ khiến quân địch vô cùng bất ngờ và lúng túng. Quân ta dần chiếm giữ lượng hàng tiếp tế từ đường không của địch. Nhờ phối hợp chặt chẽ với các binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ của ta đã lập công xuất sắc. Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay các loại của địch, bắn bị thương 25 chiếc. Qua 55 ngày đêm chiến đấu, riêng Trung đoàn 367 bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, hình ảnh ngọn cờ chiến thắng giương cao, trong màu cờ ấy có cả máu của những người nằm xuống. Chúng tôi ôm nhau khóc, khóc vì quân đội ta, đồng bào ta đã chiến thắng quân thù, khóc tiếc thương những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống.

Thanh xuân gửi trọn chiến trường 

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Nguyễn Tiến Nữu, thôn Nam Hưng Tây, xã Sơn Hà (Thái Thụy) vẫn nhớ như in về những năm tháng hào hùng trên đất Điện Biên. Theo tiếng gọi non sông, cả nước ra trận, 18 tuổi, ông xung phong vào bộ đội. Với ông, ký ức chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ luôn ở trong tim. Ông tâm sự: Tôi là lính bộ binh của đơn vị E308 có nhiệm vụ tấn công quyết liệt vào các vị trí của quân Pháp trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Những đêm hành quân âm thầm trong rừng sâu núi thẳm, vai vác súng đạn, chân trần giẫm lên đá nhọn, bùn lầy, có khi rướm máu mà vẫn không dừng bước. Trận địa là nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chúng tôi vẫn bám hào, bám đất, từng tấc một áp sát cứ điểm địch. Nhiều đồng chí bị thương vẫn xin ở lại chiến đấu, có người ngã xuống trong tay mình mà không kịp nói lời cuối cùng. Từ ngày 30/3 - 7/5/1954, trong 2 ngày đầu, ta chỉ chiếm được nửa quả đồi. Chúng tôi làm nhiệm vụ đào hào, ta và địch “cò cưa”, lấn nhau từng tấc đất, mình quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, tiêu diệt hoàn toàn, còn địch thì quyết tâm giữ. Đêm ngày 6/5/1954, ta nổ bộc phá đánh đồi A1, gần một đại đội của địch bị tiêu diệt. Đến 4 giờ sáng ngày 7/5/1954 ta chiếm được đồi. Quân địch đầu hàng vào 15 giờ 30 phút cùng ngày. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng De Castries đầu hàng nhưng khi biết tin thắng trận tôi và tất cả mọi người nhảy lên trong sung sướng. Mọi người ôm chầm lấy nhau, ai cũng rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc. Những ngày này xem thông tin trên báo, đài có các chương trình nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cảm thấy thật xúc động và tự hào khi là một trong những người con của quê hương Thái Thụy góp một phần công sức làm nên chiến thắng.

Sau chiến dịch, ông Nữu được điều động tham gia huấn luyện trong Sư đoàn 308, sau đó theo học Trường Sĩ quan Lục quân, chuyên ngành đào tạo cán bộ chính trị. Cuối năm 1963, ông tham gia đợt huấn luyện chuẩn bị vào chiến trường B, rồi hành quân vào Tây Nguyên, chiến đấu tại các địa bàn chiến lược như Kon Tum, Đắk Lắk. Trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột - trận mở màn then chốt của chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nữu vinh dự là một trong những cán bộ tham gia mũi tiến công trong đội hình Trung đoàn 32, Sư đoàn 8. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được Nhà nước cử đi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác tại Binh đoàn 32. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 13 huân chương, huy chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Những tấm huân chương, huy chương được ông Nguyễn Tiến Nữu (người bên trái), thôn Nam Hưng Tây, xã Sơn Hà (Thái Thụy) gìn giữ cẩn thận.

Ông Đỗ Thanh Toản, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy cho biết: Hiện trên địa bàn huyện còn 39 cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng lừng lẫy, trong những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy có người tiếp tục theo con đường binh nghiệp, có người chuyển sang công tác tại các cơ quan nhà nước hay trở về quê hương lao động sản xuất. Song dẫu ở vị trí công tác nào thì “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn” ấy vẫn luôn là ký ức chói lọi, tự hào. Đó chính là di sản tinh thần vô giá, tạo nên động lực, sức mạnh để mỗi người dân phấn đấu góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đại tá Phạm Bình Hãn (ngồi giữa), cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kể lại ký ức lịch sử cho các cháu thiếu nhi. 

Nguyễn Thắm