Thứ 2, 12/05/2025, 18:55[GMT+7]

Về đền Lộng Khê xem đốt cây Đình Liệu khổng lồ

Thứ 2, 12/05/2025 | 15:32:51
526 lượt xem
Dân gian lưu truyền câu ca: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào - tứ cố cảnh”. Thời Lý, vùng đất An Khê (Quỳnh Phụ) có làng Lộng Khê đẹp nổi tiếng trong vùng. Đến nay, trên mảnh đất này còn bảo tồn nhiều di tích, trong đó đền Lộng Khê là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, lễ hội nơi đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2017. Điều độc đáo nhất trong lễ hội còn được bảo tồn nghiêm cẩn cho đến ngày nay là lễ đốt cây Đình Liệu khổng lồ với các nghi thức uy nghiêm, trang trọng và linh thiêng.

Du khách chiêm ngưỡng cây Đình Liệu khổng lồ tại lễ hội đền Lộng Khê.

Mỹ tục khả phong

“Mỹ tục khả phong” là danh hiệu mà triều đình nhà Nguyễn phong cho những làng quê giữ được nét văn hóa tập tục cao đẹp. Đến nay, về thăm đền Lộng Khê, du khách vẫn được tận mắt chiêm ngưỡng tấm bảng đề 4 chữ này, đó như báu vật của làng. Di tích lịch sử đền Lộng Khê là tổ hợp kiến trúc “tiền Thần - hậu Thánh”. Nơi đây còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại. Vua Tự Đức phong làng là “Mỹ tục khả phong”, vua Duy Tân phong làng là “Mỹ tục khả tưởng”. Qua biến thiên của lịch sử, di tích đền Lộng Khê đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn những nét đặc sắc riêng có trong văn hóa cổ truyền. Ông Đỗ Đường Thắng, công chức văn hóa xã An Khê (Quỳnh Phụ) thông tin: Đền Lộng Khê là nơi thờ vị Quốc sư triều Lý, họ Dương, tên là Không Lộ - người có công lao to lớn giúp nhân dân địa phương khai hoang, trị thủy, xây dựng cuộc sống ấm no, thanh bình. Về đền Lộng Khê, đến nay du khách còn được nghe những câu thơ ca ngợi công tích của ngài: “Họ Dương có Không Lộ/ Học đạo Phật rất tinh/Giác Hải và đạo Hạnh/Là đạo hữu đồng thanh/Lên mây rút đường biển/Pháp thuật rất tinh thông/ Đọc chú ngăn quái vật/Thánh thể được an ninh/Chuông lớn treo trên gác/Lời kệ với câu kinh/Ngàn năm còn để tiếng/Truyền tụng mãi thanh danh”.

Đền Lộng Khê còn là nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt và phối thờ Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - những vị anh hùng đã từng qua mảnh đất này chiêu mộ trai làng tham gia đánh giặc giữ nước. Để tưởng nhớ những vị tiền nhân có công với dân, với nước, hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch, dân làng Lộng Khê, xã An Khê nói riêng, huyện Quỳnh Phụ nói chung lại nô nức tham gia vào lễ hội truyền thống đền Lộng Khê. 

Náo nức trong dòng du khách về đền Lộng Khê dâng hương và trẩy hội, bà Ngô Thị Lan Hương đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: Về với nơi đây tôi cảm nhận được sự yên bình của làng quê, được chiêm ngưỡng sự bề thế, uy nghiêm của di tích và nhiều nghi thức tế lễ truyền thống trong lễ hội. Cảm ơn làng Lộng Khê, xã An Khê đã gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, để du khách như chúng tôi có dịp trải nghiệm và lưu giữ những kỷ niệm đẹp nơi vùng quê hiền hòa trên khắp quê hương, đất nước mình. 

Rực rỡ đêm lễ hội cổ truyền 

Lễ hội đền Lộng Khê diễn ra trong nhiều ngày nhưng đa phần du khách khi về với nơi đây thường lựa chọn ngày 24/3 âm lịch là đêm tổ chức lễ rước đuốc quanh làng và đốt cây Đình Liệu. Gác lại bộn bề công việc thường ngày, ông Đỗ Văn Toàn - người dân địa phương đang sinh sống và làm việc xa quê, đã đưa các đồng nghiệp của mình về dự lễ hội, tề tựu quanh hồ nước trước khu di tích đền Lộng Khê để chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn lễ đốt cây Đình Liệu khổng lồ. Ông Đỗ Văn Toàn chia sẻ: Tôi giới thiệu với mọi người về hai chữ “Đình Liệu”. Xét theo Hán học, bó đuốc chưa đốt được gọi là Tiêu. Bó đuốc đốt lên cầm trên tay được gọi là Chúc. Đuốc lớn được dựng lên từ mặt đất mà đốt được gọi là Đình Liệu. Cây Đình Liệu trong lễ hội được trang trí hoa văn họa tiết như tản mây, lưỡng long chầu nguyệt tạo nên sự huyền bí, linh thiêng. Đây là tác phẩm đồ sộ, rực rỡ nhiều màu sắc mà nhân dân thôn Lộng Khê 3 chúng tôi đã phát tâm công đức, cùng toàn thể người dân làng kiến tạo. Cây Đình Liệu với chiều cao khoảng 15m, đường kính dưới chân 1,35m; trọng lượng ước gần 10 tấn. 

Trong đêm lễ hội, dưới sự chứng kiến của dân làng và du khách thập phương, bậc cao niên của làng Lộng Khê thực hiện nghi thức rước bó đuốc từ cung cấm đền ra khu vực dựng cây Đình Liệu, kính cẩn nghiêng mình làm lễ và thực hiện châm đuốc. Lúc này, trong tiếng hò reo rộn ràng khắp không gian, trai làng lấy hết sức kéo ngọn lửa lên vị trí cao nhất của cây Đình Liệu. Khi ngọn lửa rực cháy giữa trời đêm, cả không gian bừng sáng, nhân dân thành kính hướng về lễ hội truyền thống, cầu mong dân khang, vật thịnh. 

Về nguồn cội tục rước đuốc quanh làng và tục đốt cây Đình Liệu có nhiều tích được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đem quân đi chống giặc Nguyên Mông, qua làng Lộng Khê gặp trời mưa to, gió lớn, vua Trần ra lệnh dừng quân, nghỉ lại một đêm tại đền Lộng Khê. Đêm đó, vua Trần được Quốc sư họ Dương hiển linh báo mộng giúp sức. Khi tỉnh mộng, vua hạ lệnh cho tướng sĩ tập trung dân làng tại sân đền nghe vua ban truyền. Nhiều bó đuốc lớn được tụ lại tại sân đền sáng rực cả khoảng trời. Trận đó, quân đội nhà Trần đã chiến đấu anh dũng, đánh thắng quân giặc Nguyên Mông. Sau khi ca khúc khải hoàn, vua Trần Nhân Tông sắc phong Dương Không Lộ là Nam Thiên Thánh Tổ và ban truyền cho nhân dân nơi đây hàng năm vào ngày 24/3 âm lịch tổ chức dựng lại không khí huyền bí và tâm linh. 

Như bao hội làng truyền thống, lễ hội đền Lộng Khê với những câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh, huyền bí, càng thêm lôi cuốn du khách đến trải nghiệm và tìm hiểu. Giữa bộn bề cuộc sống tất bật, giá trị văn hóa truyền thống trở thành điểm tựa vững vàng, để mỗi mùa lễ hội, những người con xa quê lại hẹn nhau trở về chung tay góp sức với nhân dân địa phương bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của quê hương. 

Cây Đình Liệu rực sáng trong đêm lễ hội truyền thống. 

Tại đền Lộng Khê đến nay còn bảo tồn các chữ Mỹ tục khả phong. 

Tú Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày