Thứ 3, 06/05/2025, 20:21[GMT+7]

Kỳ họp thứ 9: Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Thứ 3, 06/05/2025 | 16:11:04
559 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đã có 25 đại biểu phát biểu, có 3 đại biểu tranh luận, trong đó có 3 đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia phát biểu thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật. Các đại biểu phát biểu đều mong muốn Luật Nhà giáo được Quốc hội ban hành sẽ là một trong những đột phá để sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà có bước phát triển bứt phá, góp phần quyết định thành công sự nghiệp đổi mới và mục tiêu của kỷ nguyên mới mà Đảng ta đã xác định. Các ý kiến phát biểu góp ý trực tiếp vào các điều khoản, nội dung chi tiết như về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, chính sách tuyển dụng, thực hành, tập sự, đào tạo, phát triển nhà giáo, về chủ thể và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển nhà giáo, hoạt động nghề nghiệp, chế độ làm việc của nhà giáo, chính sách tiền lương, hỗ trợ thu hút và trọng dụng nhà giáo; vấn đề dạy thêm, học thêm, cách thức tổ chức quản lý cho hiệu quả; đánh giá nhà giáo chuẩn mực và tiêu chí chủ thể tham gia đánh giá nhà giáo; phạm vi điều chỉnh về cơ sở giáo dục công lập, trong đó có loại hình tự chủ, tự chủ một phần và chưa tự chủ cũng như ngoài công lập theo hướng giáo dục công bằng.

Về đối tượng áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo hiện chủ yếu quy định chế độ chính sách với giáo viên công lập, dễ dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa trường công và trường tư. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý để quy định phù hợp với đối tượng nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập, trong đó có tính đến đặc thù tại các cơ sở dân lập tư thục; các quy định về chế độ tiền lương phải có sự điều chỉnh phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị, đồng thời cần phải rà soát quy định, đảm bảo tính khả thi, tránh gây vướng mắc trong triển khai, nhất là những quy định về cơ chế thực hiện tự chủ, chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, chính sách thu hút nhà giáo, chính sách đào tạo nguồn giáo viên hay các chính sách quy định về lương, phụ cấp đối với giáo viên mầm non; Về đạo đức của nhà giáo, đề nghị bổ sung thêm nội dung và cơ chế phản ánh vi phạm đạo đức để có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, xã hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền; về chính sách thu hút trọng dụng đối với nhà giáo, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ nội hàm người có tài năng gồm đối tượng nào và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Bởi vì dự thảo luật chưa làm rõ như thế nào là người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, nếu không quy định rõ các đối tượng sẽ gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn...

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh