Thứ 5, 03/07/2025, 08:29[GMT+7]

Báo Trung Quốc đánh giá cao quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Thứ 4, 02/07/2025 | 14:57:41
972 lượt xem
Tờ Kinh tế nhật báo - cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng truyền thông hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, số ra ngày 2/7, đăng bài viết có nhan đề "Việt Nam đẩy nhanh mở cửa và thí điểm, ứng phó rủi ro thương mại", đánh giá cao ý nghĩa việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Ảnh chụp màn hình bài báo từ trang mạng của tờ Kinh tế nhật báo.

Bài báo cho biết, mới đây, Quốc hội Việt Nam đã chấp thuận thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, có diện tích khoảng 1.881ha, bao gồm nhiều khu chức năng như sản xuất, logictics, thương mại, dịch vụ, công nghiệp số và công nghệ thông tin.

Dẫn ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ công bố Quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng ngày 22/6 bày tỏ hy vọng xây dựng khu thương mại tự do thành một trung tâm kết nối kinh tế toàn cầu, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương Đà Nẵng mà còn truyền động lực mạnh mẽ vào nền kinh tế của Việt Nam, bài báo cho biết, trước đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết sáp nhập thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mới có diện tích hơn 11.000km2; đồng thời xây dựng các kế hoạch như xây dựng một trung tâm tài chính khu vực, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng điểm và trao cho địa phương nhiều chính sách ưu đãi và quyền tự chủ lớn hơn về thuế, đầu tư, công nghệ, tài chính...

Phân tích về vị trí và ưu thế của Đà Nẵng, bài báo khẳng định, đây một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và là thành phố lớn thứ tư cả nước; đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay quốc tế lớn thứ ba ở Việt Nam và Ga Đà Nẵng là nhà ga lớn nhất ở miền Trung. Đồng thời, Đà Nẵng với tư cách là cảng lớn nhất miền Trung, là đầu mối của “Hành lang kinh tế Đông Tây” nối liền các nước trên bán đảo Đông Dương. Mạng lưới giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho dòng chảy nhân lực, vật tư và thông tin, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo thống kê, quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng vượt 11%, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng đạt 17,6%. Việc thúc đẩy một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia như Cảng Liên Chiểu đã tạo đà cho sự phát triển nhanh và lâu dài của thành phố.

Nhận định về ý nghĩa việc thành lập khu thương mại tự do đầu tiên ở Việt Nam, bài báo dẫn các số liệu thống kê về kinh tế là "điểm sáng" của Việt Nam trong năm 2024 như tăng trưởng GDP đạt 7,09%, thu hút FDI cao kỷ lục, tăng 9,4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm tăng 15,4%...; tuy nhiên là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trước tác động của môi trường thương mại quốc tế và nhu cầu bên ngoài suy yếu, Việt Nam thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, chính là giải pháp cốt lõi để thúc đẩy cải cách cơ cấu, với hy vọng có thể ứng phó các rủi ro thông qua mở cửa thể chế. 

Thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bài báo dẫn thông tin của Bộ Công Thương Việt Nam ngày 15 tháng 6 cho biết vòng đàm phán thương mại thứ ba được tổ chức tại Washington từ ngày 9-12/6 đã đạt được tiến triển đáng kể, hai bên đã thu hẹp bất đồng và nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo với hình thức trực tuyến.

Cùng với đó, ngày 20/5, các bộ trưởng kinh tế và thương mại của Trung Quốc và các nước ASEAN đã tuyên bố đàm phán về Hiệp định Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0 đã hoàn tất; các nước sẽ tích cực thúc đẩy quá trình phê duyệt trong nước và chính thức ký kết nghị định thư nâng cấp trước cuối năm nay; phiên bản mới của hiệp định thương mại tự do đã bổ sung các nội dung liên quan kinh tế số, kinh tế xanh và kết nối chuỗi cung ứng, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế về chuyển đổi và nâng cấp kinh tế của tất cả các bên mà còn phản ánh đầy đủ tính chất hướng tới tương lai và tính chiến lược.

Đáng chú ý, ngày 13/6, Brazil với tư cách là chủ tịch luân phiên, đã chính thức tuyên bố Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác thứ 10 của cơ chế hợp tác BRICS. Bộ Ngoại giao Brazil đánh giá, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người và nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ cùng tất cả các bên xây dựng một trật tự quốc tế bao trùm và mang tính đại diện hơn.

Bài báo kết luận, để có thể tận dụng được lợi ích từ hợp tác công nghệ, chuyển dịch ngành nghề và mở cửa thị trường, đồng thời phát huy hết tiềm năng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0, Việt Nam cần tích lũy kinh nghiệm, đào sâu và mở rộng nỗ lực mở cửa thông qua nhiều dự án thí điểm như Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Bài báo dẫn ý kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đà Nẵng phải "đi trước mở đường", tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ trở thành cực tăng trưởng của miền Trung và cả nước.

Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa