Thứ 5, 08/05/2025, 08:04[GMT+7]

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Thảo luận ở tổ về các nghị quyết, dự án luật

Thứ 4, 07/05/2025 | 16:53:23
975 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, chiều ngày 7/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dự án Luật Cán bộ, công chức.

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tổ.

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận tại Tổ 10, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận thể hiện sự nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương đồng thời quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho biết dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, đã cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các đại biểu tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề như: Việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương; về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương;…

Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu đánh giá nội dung dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Các đại biểu đã tham gia vào các nội dung cụ thể về sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính;…

Trước đó tại phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc làm, giải quyết việc làm và người lao động đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và trong phiên họp đã có 18 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá các ý kiến đại biểu phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn, đồng thuận cao về nội dung sửa đổi và báo cáo tiếp thu, giải trình. Các ý kiến tập trung phát biểu với mong muốn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung vào các nhóm vấn đề lớn đó là việc thể chế hóa đầy đủ, đúng mức các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm quyền việc làm là quyền cơ bản, có tính Hiến định của con người, giải phóng sức sản xuất, tạo việc làm bền vững với thu nhập tương xứng, nâng cao tay nghề cho người lao động; về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hội nhập hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đăng ký lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cho người lao động, tạo thuận lợi cho người đăng ký, chia sẻ, kết nối đồng bộ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống thông tin thị trường lao động; nguyên tắc phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng dữ liệu đã đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường; vấn đề phát triển kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; cải cách hành chính bảo đảm cho việc tiếp cận chính sách, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động, việc làm mà Việt Nam đã tham gia.

 Vũ Sơn Tùng 

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)