Thứ 6, 25/04/2025, 04:53[GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Thứ 6, 18/04/2025 | 09:22:44
825 lượt xem
Để phòng, chống bệnh dại từ vật nuôi truyền nhiễm sang người, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực tuyên truyền đến các hộ dân nuôi chó, mèo chủ động tiêm phòng dại, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thú y viên xã An Khê (Quỳnh Phụ) tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó của hộ dân địa phương.

Quỳnh Phụ hiện có tổng đàn chó, mèo hơn 28.000 con. Thời gian qua, huyện đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ nuôi chó, mèo về nguy cơ và cách phòng, chống bệnh dại, đồng thời tổ chức tiêm vắc-xin đồng loạt cho đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Đức Tuyên, xã Quỳnh Hải chia sẻ: Tôi nuôi chó hơn 10 năm nay. Để phòng bệnh dại, tôi không bao giờ thả rông mà luôn nhốt trong chuồng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn. Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn giúp bảo đảm an toàn cho cộng đồng. 

Không chỉ tại Quỳnh Phụ, ngành chuyên môn các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã triển khai tiêm phòng từ đầu tháng 4 và đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin có người bị chó, mèo nghi nhiễm dại cắn, các địa phương kịp thời thông báo cho cơ quan chuyên môn để xử lý. Ông Nguyễn Văn Duyên, xã Nam Tiến (Tiền Hải) cho biết: Trước đây, địa phương từng có trường hợp người bị chó dại cắn dẫn đến tử vong. Sau khi được UBND xã tuyên truyền, tôi càng ý thức hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Bước vào mùa nắng nóng, tôi chủ động tiêm phòng cho đàn chó. Mong địa phương tiếp tục tuyên truyền để người nuôi có trách nhiệm hơn, không thả chó rông và rọ mõm đầy đủ khi ra ngoài. 

Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 138.000 con, được nuôi tại hơn 88.000 hộ dân. Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh dại, Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền về tác hại và mức độ nguy hiểm của bệnh dại; phổ biến quy định xử phạt hành chính đối với các trường hợp nuôi chó, mèo thả rông, không tiêm phòng vắcxin, đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. UBND cấp xã được giao tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi hoặc sổ theo dõi chó, mèo, cập nhật thường xuyên số liệu chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo xử lý tình trạng chó thả rông, hướng dẫn các hộ ký cam kết khai báo và nuôi nhốt chó, mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi cho biết: Tính đến ngày 15/4, ngành chuyên môn đã tổ chức tiêm được 41.764 liều vắc-xin dại cho chó, mèo tại các địa phương. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện quản lý vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y; bảo đảm 100% chó, mèo được tiêm phòng; khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải đeo rọ mõm. Trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, người dân tuyệt đối không tự chữa, không dùng thuốc nam hoặc các phương pháp thử dại dân gian mà ngay lập tức cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút (nếu không có xà phòng có thể dùng nước sạch, dầu gội, bột giặt...). Đây là bước sơ cứu quan trọng giúp hạn chế vi rút dại xâm nhập. Sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn 400 - 700 hoặc cồn i-ốt. Tuyệt đối không nặn máu, không làm dập hoặc khâu kín vết thương vì điều này có thể khiến vi rút xâm nhập sâu hơn. Sau sơ cứu cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin kịp thời. Người nhiễm vi rút dại thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1 - 3 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài năm, tùy thuộc vào vị trí, mức độ vết thương và lượng vi rút xâm nhập. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan khi bị động vật cắn; việc tiêm vắcxin càng sớm càng tăng cơ hội phòng bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe bản thân. 

Thời điểm này bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy định về quản lý chó, mèo. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu không để vật nuôi chạy rông, chó khi đưa ra ngoài phải được xích và đeo rọ mõm. Đồng thời, bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại, công khai địa chỉ các điểm tiêm phòng và tăng cường truyền thông hướng dẫn xử lý khi bị chó, mèo cắn. Người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nguy hiểm. 

Hộ dân xã Nam Chính (Tiền Hải) tiêm phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi.

Mạnh Thắng 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày