Thứ 2, 28/04/2025, 22:43[GMT+7]

Nhân lên tình yêu đọc sách cho học sinh

Thứ 2, 28/04/2025 | 09:06:20
628 lượt xem
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, văn hóa nghe, nhìn đang dần lấn lướt văn hóa đọc. Nhằm giúp các em học sinh tiếp cận với sách, tìm hiểu được nhiều cuốn sách hay, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức các chuyến xe ô tô thư viện lưu động đến với các điểm trường. Nhiều trường học cũng có những cách làm sáng tạo lan tỏa tình yêu đọc sách cho học sinh.

Ngày hội đọc sách của học sinh Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình (Thái Thụy).

Một ngày tháng 4, cô và trò Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình (Thái Thụy) háo hức chờ đón xe ô tô thư viện lưu động trong hành trình đưa ánh sáng tri thức đến với giáo viên, học sinh. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Thư viện tỉnh, các em học sinh vui mừng khi được thỏa thích lựa chọn những cuốn sách yêu thích. Để phục vụ nhu cầu đọc của các em, ngoài các thể loại sách khoa học, công nghệ, giải trí, truyện..., xe ô tô thư viện lưu động còn lắp đặt máy vi tính, màn hình chiếu, ti vi để phục vụ nhu cầu truy cập internet, tiếp cận công nghệ thông tin với bộ sưu tập tài liệu số phong phú. Không chỉ được đọc sách, trong hành trình này các em còn được tham gia kể chuyện theo sách, trò chơi liên quan đến những câu chuyện trong sách. Em Phạm Thùy Dương, lớp 9B chia sẻ: Mỗi lần nhà trường và Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách, em và các bạn lại được định hướng cách chọn sách, đọc sách. Các loại sách mà thầy cô hay hướng dẫn đọc là sách về lịch sử, khoa học cuộc sống, về tình cảm gia đình, kỹ năng sống. Qua ngày hội đọc sách bổ ích, em biết cách lựa chọn sách phù hợp, đọc sách, làm theo sách một cách hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong học tập và rèn luyện. 

Hoạt động của xe ô tô thư viện lưu động là cách hiệu quả để đưa tri thức đến với học sinh, tạo không gian mới giúp các em hứng thú đọc sách, rèn kỹ năng đọc hiệu quả. Bà Dương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình cho biết, nhà trường thường xuyên phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức giờ đọc sách, giờ học sách, hội thi giới thiệu sách nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thúc đẩy phong trào đọc trong học sinh. Ngoài sách truyền thống, giáo viên nhà trường tích cực giới thiệu đến học sinh các thể loại sách mới như sách điện tử, sách nói... nhằm thúc đẩy các em khám phá tri thức mới và tiếp cận, thích ứng với công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu học tập trong chương trình đổi mới giáo dục và đào tạo. 

Mỗi trường học có cách làm riêng nhằm nhân lên tình yêu đọc sách cho học sinh. Tại Trường Tiểu học Tân Hòa (Vũ Thư), sáng thứ tư hàng tuần, nhà trường dành 30 phút đầu giờ để học sinh đọc sách và kể chuyện trong sách. Hoạt động duy trì trong nhiều năm đã hình thành nên thói quen và niềm đam mê đọc sách trong học sinh. Để tạo thêm niềm yêu thích đọc sách cho các em, nhà trường đầu tư thư viện theo không gian mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận, lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu để có thể đọc sách ngay khi vừa đến trường, trong giờ ra chơi, giờ tan học. Không chỉ có thư viện của trường, tại các lớp học cũng có tủ sách phụ huynh do học sinh và phụ huynh ủng hộ. Ngoài các tiết đọc trên lớp, học sinh còn được đăng ký mượn sách, truyện mang về nhà. Để thu hút học sinh đến thư viện, nhà trường tích cực bổ sung các đầu sách, tổ chức phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách mới hàng tuần theo chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” đến giáo viên và học sinh. 

Bà Lại Thị Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa cho biết, các hoạt động thiết thực đã tạo cho học sinh thói quen đọc sách, đến thư viện ngày càng đông, số lượt sách mượn ngày càng tăng. Các em không chỉ đọc truyện mà còn chủ động tìm hiểu thêm nhiều loại sách khác về khoa học tự nhiên, thế giới, vũ trụ... Từ đó chất lượng các môn học được cải thiện rõ rệt, nhất là môn Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý. Hoạt động thư viện đã tạo nên phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, giúp học sinh có thêm kiến thức đồng thời rèn kỹ năng đọc, kỹ năng ghi nhớ và khả năng tư duy, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm mà Thư viện tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Những năm gần đây, cùng với phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới các hoạt động phục vụ, không chỉ đưa sách xuống các trường học mà còn phối hợp tổ chức các chương trình ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách, tìm hiểu sách... thu hút giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia. Thời gian tới, không dừng lại ở phạm vi trường học, Thư viện tỉnh tăng cường tổ chức các chuyến xe lưu động xuống các địa phương, đặc biệt các xã xa trung tâm, tạo điều kiện cho bà con nhân dân tiếp cận với các loại hình sách truyền thống và sách hiện đại như sách điện tử, sách nói, góp phần nâng cao kỹ năng đọc sách, từng bước phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng tri thức đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Hồng Thắm - Đức Anh