Thứ 4, 30/04/2025, 01:59[GMT+7]

“Bức tranh kinh tế” ảm đạm của Mỹ Latin

Thứ 3, 29/04/2025 | 08:21:17
422 lượt xem
Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2025 từ 2,5% đưa ra hồi tháng 1 xuống còn 2,1%, với lý do mức đầu tư thấp, nợ cao và tình hình bất ổn trên toàn cầu ngày càng gia tăng gây trở ngại cho sự phát triển của khu vực. Trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và chính trị, các nước Mỹ Latin đang nỗ lực tăng cường thúc đẩy hợp tác khu vực.

Người dân Mỹ Latin và Caribe thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. (Ảnh Clarín)

Sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển, mối quan ngại về những hạn chế thương mại toàn cầu và việc cắt giảm viện trợ phát triển nước ngoài là những lý do khiến WB điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ Latin và Caribe.

Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ lần lượt đạt mức tăng trưởng 2,1% và 2,4% trong năm 2025 và 2026. Dự báo tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Mexico bị hạ đáng kể so với con số đưa ra hồi tháng 1.

Mexico dự báo sẽ không tăng trưởng trong năm nay sau dự báo trước đó là 1,5%, trong khi ước tính GDP của Brazil giảm từ 2,2% xuống còn 1,8%. Argentina, quốc gia đã ký thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng này, dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2025 so với mức đưa ra trước đó là 5%. Colombia sẽ tăng trưởng 2,4%; Chile, 2,1%; Peru 2,9%; Ecuador 1,9%; Panama 3,5%; Paraguay 3,5%...

Mức tăng trưởng ước tính 2,1% của khu vực trong năm nay khiến Mỹ Latin và Caribe trở thành khu vực có mức tăng trưởng chậm nhất thế giới với “bức tranh kinh tế” ảm đạm.

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư tăng cao, chi tiêu công vẫn là vấn đề đáng quan tâm. WB dự báo tỷ lệ nợ trên đầu ra của khu vực này đã tăng từ 59,4% vào năm 2019 lên 63,3% vào năm 2024. Bên cạnh đó, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vốn là mối lo ngại của một số ngành ở các nền kinh tế phát triển, cũng lại phát triển chậm trong khu vực này, nơi vốn chỉ đạt từ 26%-38% việc làm liên quan công nghệ AI.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể, đánh dấu bằng mức độ bất ổn gia tăng, các nước Mỹ Latin cần tăng cường thúc đẩy cả năng suất và tính linh hoạt của nền kinh tế. Các quốc gia cần hiệu chỉnh lại chiến lược và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ và thiết thực nhằm đẩy mạnh năng suất và khả năng cạnh tranh

Tuy nhiên, theo nhận định của Nhà kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latin và Caribe của WB, ông William Maloney, việc tiếp cận công nghệ và tận dụng quy mô kinh tế cho thấy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ Latin và Caribe. Việc tăng cường và mở rộng các điểm đến thương mại, xuất khẩu dịch vụ, cũng như việc di dời nguồn lực mang lại nhiều cơ hội cho khu vực.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể, đánh dấu bằng mức độ bất ổn gia tăng, các nước Mỹ Latin cần tăng cường thúc đẩy cả năng suất và tính linh hoạt của nền kinh tế. Các quốc gia cần hiệu chỉnh lại chiến lược và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ và thiết thực nhằm đẩy mạnh năng suất và khả năng cạnh tranh.

Hiện khu vực Mỹ Latin và Caribe đang phải đối mặt hàng loạt thách thức như tình hình di cư ồ ạt và chính sách trục xuất mới của Mỹ; ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế quan 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu vực này; chống tội phạm xuyên quốc gia và giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng.

Mức thuế cơ bản 10% do Mỹ áp đặt đối với hầu hết các nước Mỹ Latin có nguy cơ làm lung lay hoạt động xuất khẩu nông sản, một ngành quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia như Brazil, Colombia, Ecuador và Peru, những nước phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ đối với các sản phẩm như cà-phê, trái cây và hoa.

Trong bối cảnh này, thách thức chính đối với hầu hết các nước Mỹ Latin là đa dạng hóa thị trường và tìm giải pháp thay thế để duy trì khả năng cạnh tranh khi phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh toàn cầu khác.

Tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), Colombia đã đưa ra kế hoạch thành lập các nhóm công tác hỗ trợ phát triển khu vực, tập trung vào ba trụ cột chính là thúc đẩy hội nhập kinh tế; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ số trong phát triển.

Trước triển vọng kinh tế đầy thách thức do đà tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, ngoài việc phải đưa ra những quyết sách riêng, các nước Mỹ Latin và Caribe xác định cần phải tăng cường đối thoại chính trị, hợp tác, đoàn kết khu vực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các nước trong khối gồm 33 thành viên coi thúc đẩy hợp tác đa phương thông qua các sáng kiến kết nối khu vực, bao gồm phát triển mạng lưới năng lượng tái tạo và hệ thống cáp quang xuyên biên giới nhằm tăng cường liên kết giữa các nền kinh tế thành viên, là chìa khoá để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì sự thịnh vượng chung.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày