Thứ 7, 03/05/2025, 20:56[GMT+7]

Thái Lan ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh than sau 30 năm, cảnh báo không thể chủ quan!

Thứ 7, 03/05/2025 | 07:25:27
635 lượt xem
Thái Lan ngày 2/5 đã báo cáo ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh than trong ba thập kỷ.

Bệnh than (anthrax) là một căn bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. (Ảnh minh họa)

Một người đàn ông 53 tuổi ở Mukdahan, phía đông bắc Thái Lan gần biên giới với Lào, đã tử vong hôm 30/4 sau khi mắc bệnh than. Ngoài ra, còn có một trường hợp thứ hai được xác nhận nhiễm bệnh than tại cùng tỉnh và ba trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra, Tiến sĩ Narong Chankaeo - giám đốc sở y tế tỉnh, cho biết vào ngày 2/5.

Theo giới chức y tế địa phương, bệnh nhân đã chết và bạn của anh ta đều có các triệu chứng giống nhau, bao gồm tổn thương da trên tay cũng như phát ban…. Tuy nhiên, người đàn ông thứ hai vẫn chưa tiến triển các triệu chứng nghiêm trọng, đang được điều trị tại bệnh viện và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn trong khoảng hai tuần nếu không có biến chứng.

Huyện Don Tan, tỉnh Mukdahan nằm cạnh sông Mekong giáp Lào, nơi có hàng chục ca nhiễm bệnh than được báo cáo vào năm ngoái - hiện đã được tuyên bố là khu vực kiểm soát dịch bệnh.

Thái Lan ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh than sau 30 năm, cảnh báo không thể chủ quan! - Ảnh 1.

Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh than. (Ảnh minh họa: AA)

Tổng cộng có 638 người ở Don Tan được cho là đã tiếp xúc với cùng một nguồn lây nhiễm thông qua việc giết mổ hoặc ăn thịt bò sống hoặc chưa nấu chín. Tất cả đều được kê đơn doxycycline, một loại kháng sinh phổ rộng và đang được theo dõi.

Bệnh than lây lan từ động vật bị nhiễm bệnh sang người, không phải từ người sang người. Các tỉnh lân cận là Amnat Charoen, Kalasin và Nakhon Phanom hiện đang trong tình trạng báo động về khả năng lây nhiễm bệnh than và đã cảnh báo người dân không được ăn thịt bò sống.

Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết Cục Chăn nuôi nước này đang giám sát các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tại khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm thiết lập vùng cách ly 5km quanh nơi phát hiện ca nhiễm. Cơ quan chức năng cũng có kế hoạch tiêm phòng cho 1.222 con gia súc, dù đến nay chưa có con vật nào có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Thái Lan lần cuối báo cáo các trường hợp mắc bệnh than ở người là vào năm 2017, khi hai người bị nhiễm mà không tử vong. Năm 2000, có 15 trường hợp được ghi nhận, cũng không có trường hợp tử vong.

Trường hợp hôm 30/4 là ca tử vong đầu tiên do bệnh than ở nước này kể từ năm 1994, khi có ba người tử vong và sau đó là sự gia tăng các ca nhiễm trong khu vực. Quốc gia láng giềng Lào cũng đã ghi nhận 129 ca nhiễm bệnh than vào năm ngoái, bao gồm một ca tử vong.

Thái Lan ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh than sau 30 năm, cảnh báo không thể chủ quan! - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Thái Lan khử trùng có khu vực nghi có mầm bệnh. (Ảnh: FB)

Bệnh than (anthrax) là một căn bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra, có thể lây nhiễm cho động vật thông qua việc hít phải hoặc ăn phải thực phẩm bị nhiễm bệnh. Động vật bị nhiễm bệnh có thể chết đột ngột, thường có máu đen chảy ra từ các lỗ tự nhiên và không có hiện tượng co cứng tử thi. Con người có thể mắc bệnh qua vết thương hở hoặc do ăn phải thịt bị nhiễm bệnh chưa nấu chín, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Các biện pháp kiểm soát bệnh than phổ biến đang được Thái Lan áp dụng ở các vùng nghi ngờ có dịch, bao gồm:

- Cách ly động vật và sử dụng kháng sinh penicillin trong 3 - 5 ngày

- Cấm vận chuyển động vật vào hoặc ra khỏi khu vực

- Cấm chăn thả gia súc ở các khu vực có nguy cơ cao

- Tiêm vaccine cho động vật ở khu vực bị ảnh hưởng

- Khử trùng địa điểm giết mổ động vật bằng xút ăn da

- Khử trùng các khu vực có nguy cơ cao, bao gồm các địa điểm giết mổ và hệ thống thoát nước

- Theo dõi đất trong chuồng gia súc để phát hiện ô nhiễm

Người nông dân được khuyến cáo theo dõi các dấu hiệu như động vật chết đột ngột và chảy máu từ miệng, mũi hoặc hậu môn. Nếu phát hiện thấy các triệu chứng như vậy, họ phải báo cáo ngay lập tức và không được mở xác động vật hoặc tiêu thụ thịt. Người dân được khuyến cáo không nên ăn thịt sống.

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than gây ra. Nguồn bệnh là động vật như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột... bị bệnh.

Người lây bệnh do: tiếp xúc qua da, hít phải vi khuẩn, ăn phải thịt có mầm bệnh than. Biểu hiện bệnh: thể da, nốt loét da, tiến triển qua các giai đoạn nốt dát, nốt sần, sau thành mụn phổng đỏ tím. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, mụn vỡ ra, hoại tử lan rộng, sau 2 - 4 ngày tạo thành nốt loét lớn, trên bề mặt phủ một vảy cứng màu đen. Xung quanh vết loét có nhiều mụn phồng thứ phát nhỏ. Tại vết loét, bệnh nhân không đau. Sau 3 - 4 tuần, vết loét bong vảy, tạo thành sẹo trắng...

Phòng bệnh than: động vật ốm chết vì bệnh than phải được chôn sâu, khử trùng tẩy uế. Người lao động tại các lò sát sinh, xưởng chế biến sản phẩm từ động vật (thịt, xương, da, lông...) cần sử dụng trang phục bảo hộ lao động; tiêm vaccine để phòng bệnh; nấu chín kỹ các loại thịt để ăn.

Theo: vtv.vn

  • Từ khóa