Thứ 5, 22/05/2025, 20:11[GMT+7]

Đối tác quan trọng và đáng tin cậy: Việt Nam trong chiến lược khu vực của Australia

Thứ 5, 22/05/2025 | 16:33:52
424 lượt xem
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Australia đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Gillian Bird, đã chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những định hướng hợp tác chiến lược giữa 2 quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và an ninh khu vực.

Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Gillian Bird, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 24/4/2025, sau khi trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Lương Cường tại Phủ Chủ tịch. Bà từng là Đại sứ Australia tại Pháp (2020-2024) và Đại diện thường trực của Australia tại Liên hợp quốc (2015-2019).

Với kinh nghiệm ngoại giao sâu rộng, Đại sứ Gillian Bird khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Australia trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3/2024.

Hợp tác kinh tế, quốc phòng và đổi mới sáng tạo: Việt Nam ở vị trí trung tâm trong chiến lược của Australia

Phóng viên: Đại sứ tiếp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hợp tác hai nước ở giai đoạn tốt đẹp nhất, khi hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Bà đánh giá thế nào về hợp tác song phương sau hơn một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện?

Đại sứ Gillian Bird: Tôi thực sự may mắn được có mặt tại Việt Nam vào thời điểm quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ vững mạnh như hiện nay. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một cột mốc quan trọng, thể hiện rằng cả Việt Nam và Australia đều đặt nhau vào nhóm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại.

Quan hệ đối tác này bao gồm nhiều trụ cột, nổi bật là hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đều là các lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam.

Bên cạnh đó, nó tiếp tục củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống như quốc phòng, an ninh, kinh tế và giáo dục, một trong những trụ cột bền vững nhất trong quan hệ hai nước.

Tôi tin rằng, quan hệ Việt Nam-Australia hiện nay được xây dựng trên ba trụ cột lớn: hợp tác phát triển và giáo dục - có bề dày lịch sử và phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam; quan hệ kinh tế - đang được mở rộng đáng kể; và quốc phòng-an ninh. Tất cả đều được củng cố bởi kết nối nhân dân bền chặt.

Chính phủ Australia hỗ trợ 15 cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam trong chương trình trao đổi chuyên môn tại Australia về chính sách liên quan đến thị trường carbon. (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam) 

Phóng viên: Hợp tác kinh tế là một lĩnh vực then chốt trong quan hệ giữa Australia và Việt Nam, với các mục tiêu chung như trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Đại sứ có thể cho biết Australia đang hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như thế nào thông qua chương trình phát triển và các hình thức hợp tác khác?

Đại sứ Gillian Bird: Hai quốc gia hiện có một quan hệ thương mại và kinh tế mạnh mẽ và đang tăng trưởng. Tôi tin rằng Australia hiện nằm trong top 10 đối tác của Việt Nam, và ở chiều ngược lại điều này chắc chắn có thể đạt được.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển và thịnh vượng, vì sự thịnh vượng và ổn định của Việt Nam cũng góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định của Australia.

Cách đây vài năm, Australia đã triển khai một chiến lược kinh tế mới cho khu vực Đông Nam Á bởi vì chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế khu vực. Chiến lược này có tên gọi "Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040”. Việt Nam là một trọng tâm trong chiến lược này.

Chúng tôi cũng đã thành lập một nhóm hỗ trợ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Australia trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chính phủ Australia cũng thành lập Quỹ tài chính đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD (khoảng 1,34 tỷ USD) để hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư vào khu vực, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn.

Chúng tôi còn có một nền tảng công nghệ khu vực, nơi kết nối các lĩnh vực đổi mới, số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)… Chính phủ Australia đang triển khai các nỗ lực để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia đã tổ chức Diễn đàn hợp tác Australia-Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Smart City Asia 2025, hướng tới cùng chia sẻ tầm nhìn về việc xây dựng các thành phố thông minh hơn, xanh hơn và đáng sống hơn. (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam) 

Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời khẳng định và thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như là động lực và yếu tố quyết định giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045. Australia có những kế hoạch và chương trình hợp tác nào để đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển với các động lực và yếu tố nói trên?

Đại sứ Gillian Bird: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam và mong muốn được đồng hành để cùng thực hiện các mục tiêu đó. Chương trình hợp tác phát triển của chúng tôi hiện đang tập trung rất nhiều vào các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, AI - tất cả những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển.

Trong khuôn khổ hợp tác phát triển, chúng tôi đã triển khai chương trình có tên Aus4Innovation, một chương trình kéo dài 10 năm tại Việt Nam. Chương trình được khởi động từ năm 2018, nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để phục vụ cho phát triển bền vững và toàn diện.

Tới đây, chúng tôi sẽ khởi động Trung tâm Công nghệ chiến lược Australia-Việt Nam tại Hà Nội, tiếp tục thể hiện cam kết trong hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điểm đặc biệt trong cách chúng tôi hợp tác là không chỉ giữa 2 chính phủ, mà còn có sự tham gia của khối tư nhân và các viện nghiên cứu, trường đại học. Sự hợp tác 3 bên này là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Và Australia có thế mạnh trong việc kết nối 3 thành tố này.

Tất cả là nhờ vào mối quan hệ hợp tác giáo dục lâu đời với hơn 25 năm. Như Đại học RMIT đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, cùng với hiện có hơn 300 chương trình hợp tác giáo dục giữa các cơ sở giáo dục của 2 nước, nhiều chương trình trong đó tập trung vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa