Thứ 4, 30/04/2025, 10:09[GMT+7]

Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là điều tất nhiên của lịch sử

Thứ 4, 30/04/2025 | 05:44:27
312 lượt xem
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, những cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng sẵn sàng hy sinh, vượt qua mưa bom bão đạn, đưa lá cờ bách chiến bách thắng của quân và dân ta cắm trên các vị trí đặc biệt quan trọng trong nội đô Sài Gòn đều có sự góp mặt của những người con quê hương Thái Bình.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe tăng, lấy lá cờ giải phóng trên xe của mình cắm lên cột cờ trên nóc dinh Độc Lập lúc 11h30, ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi. Ảnh tư liệu

Do có thời gian dài công tác tại Bộ CHQS tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, tôi được tiếp xúc với những người đã tham gia chiến đấu và cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, trụ sở Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Trại Davis sáng ngày 30/4/1975 và biết thêm về những việc làm và cuộc sống của họ. 

1 - Hành động của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận - người con của xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, rời xe tăng chạy lên sân thượng cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 mà các phương tiện truyền thông cả trong nước và quốc tế đăng tải nhiều lần. Hành động anh hùng đó đã trở thành mốc son lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. 

Cũng như tôi, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, nhiều lớp thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ và các em học sinh một số địa phương của huyện Thái Thụy được nghe Bùi Quang Thận kể câu chuyện cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Giọng nói hào sảng, cử chỉ mạnh mẽ, dứt khoát đậm chất cư dân miền biển, bằng những câu chuyện rất thật, rất “đời”, anh kể về những tình tiết xảy ra khi chạy lên vị trí cắm cờ như: giật mình vì va đầu vào vách kính ngăn trong suốt; nhìn thang máy như “cái thùng đựng thóc” của nông dân mà không biết là cái gì; rồi tiếc lá cờ ba sọc của chính quyền ngụy “rộng bằng hai chiếc chiếu với hai lớp vải sa tanh tay cầm mát rượi có thể làm chăn đắp” nên xé mang về dùng khi cần... Qua đó giúp cho cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, học sinh thêm tự hào về truyền thống quê hương đất nước, truyền thống của quân đội anh hùng. 

Đã có vài ba lần tôi và anh Đỗ Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số bạn chiến đấu Quân đoàn 2 xuống thăm, nghe Bùi Quang Thận kể chuyện mưu sinh bằng mở cửa hàng bán gas, thuê đầm nuôi tôm, nuôi cá vược rất vất vả nhưng cũng vui vì có thêm thu nhập; chuyện vì sao anh đã kéo lá cờ giải phóng lên lưng chừng lại kéo xuống rồi lấy bút ghi 11 giờ 30 phút sau mới kéo lên đỉnh cột; chuyện anh được đề nghị khen thưởng bậc cao và đang chờ các cơ quan chức năng xem xét... Mọi người đều cảm thông chia sẻ và khẳng định rằng chiến công của anh sẽ được lịch sử ghi nhận. 

Và rồi, không lâu sau đó, những mong muốn của anh và của cả mọi người đã thành sự thật. Ngày 30/10/2013, Bùi Quang Thận được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

2 - Câu chuyện cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy với nhiều tình tiết gay cấn mà chúng tôi được nghe những người trong cuộc kể lại. 

Bộ Tổng tham mưu ngụy là một trong năm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh, là một trong số các mục tiêu quan trọng bậc nhất của chế độ Sài Gòn. Đây chính là cơ quan đầu não, trung tâm điều hành chiến tranh của quân đội ngụy, nằm sâu trong thành phố, được xây dựng kiên cố với hệ thống bảo vệ canh phòng đặc biệt nghiêm ngặt. 

Để bảo đảm chắc thắng, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 được tăng cường binh lực, hỏa lực đủ mạnh, có nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy; Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 là đại đội chủ công do Lại Đức Lưu làm Đại đội trưởng đảm nhiệm mũi thọc sâu, đánh chiếm và cắm lá cờ giải phóng trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. 

Thời gian cùng công tác tại Bộ CHQS tỉnh, tôi và nhiều anh em được nghe anh Lưu kể về những trận chiến ác liệt để tiêu diệt các chốt phòng thủ, ổ đề kháng, đánh chiếm Cục Quân huấn rồi theo đường Ngô Xuân Soạn phát triển đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. “Vượt qua khu trung tâm hành quân, Lại Đức Lưu nhắc Hoàng Xuân Tiến và Nguyễn Văn Đông, hai chiến sĩ trong tổ cắm cờ kiểm tra lại những thứ cần thiết. Đông xốc lại ba lô trong có lá cờ rồi vượt lên trước. Anh quét một loạt AK vào mấy chiếc lô cốt dã chiến ở đầu nhà. Không có một tiếng súng phản ứng. Cả tổ của Lưu cùng tiến nhanh theo cầu thang lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đến cầu thang gấp khúc, Tiến lúng túng vì chiếc cán cờ dài hơn 4m. Lưu và Đông phải chạy xuống giúp Tiến. Cả tổ của Lưu công kênh nhau lên buộc lá cờ giải phóng trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy trong tiếng hò reo của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn”* . 

Trong tổ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy, có hai người con của quê hương Thái Bình là Lại Đức Lưu, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình và Nguyễn Văn Đông, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy. 

Sau khi đất nước thống nhất, Lại Đức Lưu được quân đội cử đi đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu cấp chiến thuật - chiến dịch binh chủng hợp thành tại Liên Xô (cũ). Về nước, anh công tác tại một số đơn vị thuộc Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Anh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Về địa phương, anh tích cực tham gia sinh hoạt đảng và các hoạt động do chính quyền, MTTQ phát động. Với Hội Cựu chiến binh, anh đảm nhiệm công tác từ Chi hội trưởng đến Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Thái Bình. Còn Nguyễn Văn Đông vì nhiều lý do, năm 1980 anh ra quân về quê lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác địa phương. Anh sống an nhiên tự tại cùng gia đình và bà con lối xóm. 

3 - Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lá cờ giải phóng xuất hiện công khai, sớm nhất là lá cờ được cắm trên tháp nước tại trại Davis - trụ sở của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Người trực tiếp thực hiện là anh Phạm Văn Lãi cũng là người của quê hương Thái Bình. 

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, gọn và sạch của anh Phạm Văn Lãi tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tôi và anh Bùi Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện được nghe anh kể về những giây phút nguy hiểm nhưng rất hào hùng đó. 

Khoảng 8 giờ ngày 30/4/1975, Phạm Văn Lãi được giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang đưa vệ binh cắm lên tháp nước. Lúc chọn được cờ mang ra thì không thấy vệ binh. Chắc là anh em được cử đi làm nhiệm vụ. Nghĩ vậy, Phạm Văn Lãi quyết định tự mình thực hiện. Trên đường chạy ra tháp nước, anh gặp đồng đội Nguyễn Văn Cẩn và đề nghị giúp đỡ. Hai anh tìm được đoạn ống nước bằng sắt làm cán cờ, nhặt đoạn dây thép làm dây buộc. Đến chân tháp, anh chui vào lồng bảo vệ leo lên trước, Cẩn lên sau. Tới đỉnh, Lãi buộc mối trên, Cẩn buộc mối dưới. Kiểm tra các mối buộc chắc chắn, Phạm Văn Lãi buông tay, sau tiếng “phật” lá cờ bắt gió tung bay ngạo nghễ trên đỉnh tháp nước trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo và tiếng gầm rú của xe tăng quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó là 9 giờ 30 phút. 

Trả lời những câu hỏi của chúng tôi về giây phút nguy hiểm đó, Phạm Văn Lãi xúc động: Tôi hoàn toàn không đắn đo điều gì, chỉ tập trung thực hiện thật tốt nhiệm vụ. Nhìn lá cờ tung bay mà trong lòng mừng vui đến không kìm được nước mắt. Chính lá cờ đó góp phần cổ vũ khí thế tiến công của quân và dân ta, làm vật chuẩn cho pháo binh hiệu chỉnh mục tiêu bắn. Đồng thời làm cho tinh thần quân địch càng hoang mang, rệu rã. 

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chấm dứt hoạt động. Phạm Văn Lãi được điều về công tác tại Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn. Năm 1977, anh chuyển ngành về Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ). Năm 2012, anh nghỉ hưu theo chế độ và về quê an trí tuổi già. 

Chia tay chúng tôi, anh cười xởi lởi: Tấm ảnh cắm cờ trên tháp nước cùng những kỷ vật của thời trận mạc ở Cục Chính trị Miền và Trại Davis là vật “bất ly thân” của tôi. Cả tôi và anh Hùng đều biểu thị sự đồng tình và trân trọng. 

* Những lần giao lưu với bạn bè, tôi đã được nghe nhiều anh em nói rằng: “Người Thái Bình các ông rất có duyên với việc cắm cờ ở những mốc son lịch sử của dân tộc. Này nhé: Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ Tạ Quốc Luật (quê xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) chỉ huy tổ xung kích cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, lá cờ được cắm ở những nơi “đặc biệt” đều do người Thái Bình thực hiện đấy thôi”. 

-Ngẫm lại, đúng thật. Có lẽ mảnh đất Thái Bình - nơi hội tụ khí thiêng sông núi nên được lịch sử lựa chọn chăng! Vì thế, mới có sự trùng lặp - một sự trùng lặp hiếm gặp của lịch sử.


* Lịch sử Sư đoàn 390 - Đại đoàn Đồng Bằng (1951 - 2021), NXB QĐND 2020, t227.

Nguyễn Văn Hán 

(Thành phố Thái Bình)