Loay hoay nghề chạm bạc Đồng Xâm
Doanh thu mà các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ bạc ở làng Đồng Xâm mỗi năm đã mang về cho xã Hồng Thái (Kiến Xương - Thái Bình) hàng chục tỷ đồng, chiếm 45% tổng thu nhập của toàn xã. Con số đó sẽ còn cao hơn nữa nếu như những sản phẩm do các nghệ nhân ở làng nghề (LN) truyền thống này giải được bài toán đầu ra cho mình.
Tìm đầu ra cho sản phẩm - Khó!
Không gì có thể phủ nhận chất lượng sản phẩm được chế tác từ bạc do bàn tay của các nghệ nhân ở LN chạm bạc Đồng Xâm làm ra. Sản phẩm của LN từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi những tinh hoa được cô đọng trong mỗi sản phẩm mang độ tinh xảo cao ở từng chi tiết nhỏ. Hàng trăm ngàn sản phẩm được sản xuất mỗi năm, thế nhưng các "ông chủ" lẫn người lao động ở đây vẫn cứ kêu trời. Tại sao vậy?
Chúng tôi đến Đồng Xâm thấy chỉ có 01 DN và lác đác vài cơ sở mở cửa sản xuất, còn lại chưa có động tĩnh gì. Lý giải về điều này, chủ DN chạm bạc duy nhất ở Hồng Thái cho biết: "Mỗi cơ sở sản xuất chỉ có một số lao động chính, còn lại chúng tôi sử dụng những lao động mang tính chất thời vụ, khi có đơn hàng nhiều mới gọi họ đến làm. Tình trạng sản xuất lai rai thế này chắc còn phải kéo dài 1 - 2 tháng nữa, năm nào chẳng vậy...".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lâu nay DN và các cơ sở sản xuất ở Đồng Xâm phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình chứ chính quyền địa phương chưa giúp đỡ được gì nhiều.
Chủ một hộ chạm bạc có truyền thống lâu đời ở Đồng Xâm, ông Vũ Minh Sinh than thở: "Chúng tôi cũng biết rằng giá bán một sản phẩm chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá bán chính những sản phẩm này tại các cửa hàng mỹ nghệ kim hoàn trong nước, chưa kể tới việc xuất khẩu ra nước ngoài thì giá trị thực của nó còn cao hơn rất nhiều... nhưng vẫn phải chịu vì mình vốn ít, lại chưa biết tiếp thị cho sản phẩm của mình.
Cứ nhìn những địa phương khác, người ta lập hẳn trang web riêng để giới thiệu rồi đăng ký thương hiệu cho sản phẩm... trong khi mình thì vẫn chỉ biết làm ra sản phẩm chứ lâu nay không chú trọng đến việc đó mà sốt ruột...". Có lẽ vì "sốt ruột" cho nên ông Sinh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí cho con em mình đi học ngoại ngữ, tin học với hi vọng "mình cũng sẽ làm được như họ!". Đó là quảng bá thương hiệu, tìm được đầu ra cho sản phẩm trong tương lai gần.
Đến bài toán môi trường
Theo một cán bộ xã Hồng Thái cho biết: “Mỗi năm, LN Đồng Xâm sử dụng hơn 5 tấn hợp chất nitơrat để sản xuất khoảng 20 tấn hàng nên đã thải ra một lượng chất thải tương ứng với số hóa chất đã sử dụng. Mặc dù năm 2003, tỉnh Thái Bình đã đầu tư xây dựng tại địa phương bể mạ tập trung kèm theo công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và đã được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2004 nhưng kết quả thu lại không được như mong muốn”. Theo lý giải của một số hộ sản xuất, vì đây là nghề gia truyền nên mỗi cơ sở thường có một bí quyết làm nghề riêng, vì thế việc tập trung nhau sản xuất tại một địa điểm là điều không thể. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi gia đình làm nghề chạm bạc hay cơ sở sản xuất ở đây đều có một bể mạ thủ công với những dụng cụ hết sức thô sơ và lạc hậu.
Trong quá trình sản xuất, tất cả lượng hóa chất thải ra không qua một hình thức xử lý nào mà được đổ thẳng ra những mương máng, ao hồ xung quanh gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước một cách nghiêm trọng. Một điều mà bất cứ người nào ở nơi khác đến đây đều rất dễ nhận thấy là mùi hóa chất kết tủa trong quá trình phân kim vàng bạc luôn bốc lên một cách nồng nặc gây khó thở, tức ngực...
Vậy mà những người thợ ở Đồng Xâm hàng ngày vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất độc hại đó mà không có bất cứ một phương tiện bảo hộ lao động nào. Điều đó có thể lý giải vì sao hầu hết những người dân lao động ở đây đều mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch... và tóc bạc trắng khi họ chỉ ở độ tuổi bốn, năm mươi.
Được biết, Sở KHCN - MT tỉnh Thái Bình cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến Đồng Xâm thu thập số liệu, điều tra, nghiên cứu... nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả nào ngoài việc cho xây dựng bể mạ tập trung như đã nói ở trên. Chính một quan chức của sở phải thừa nhận với chúng tôi rằng việc xử lý ô nhiễm môi trường ở đây là "nằm ngoài khả năng của họ!"?
Làm thế nào để đảm bảo được vấn đề môi trường và tìm được đầu ra cho những sản phẩm độc đáo của LN chạm bạc Đồng Xâm đã có từ cách đây gần 600 năm này? Câu trả lời không còn là của riêng người lao động - những người thợ tài hoa, lành nghề - hay chính quyền địa phương xã Hồng Thái mà thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo tỉnh Thái Bình phải bắt tay vào cuộc. Có giải được "bài toán khó" này mới mong vực lại được LN truyền thống độc đáo này trước nguy cơ bị mai một bởi sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.
Khánh Linh
14/2 ngõ 85 Phan Bá Vành - TP Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Thái Bình - phá thế ốc đảo, tạo liên kết vùng, đột phá phát triển kinh tế - xã hội 21.03.2025 | 08:38 AM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
Xem tin theo ngày
-
Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình
- Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long
- Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Kiến Xương
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh