Thứ 6, 25/04/2025, 01:48[GMT+7]

Tầm quan trọng của việc khử trùng, tiêu độc trong chăn nuôi

Thứ 5, 10/04/2025 | 08:59:14
656 lượt xem
Cùng với tiêm phòng vắc-xin, bổ sung dinh dưỡng, việc khử trùng, tiêu độc trong chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Thời gian qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện tốt công tác này, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Người dân xã Tây Sơn (Kiến Xương) khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia cầm.

Xã Tây Sơn (Kiến Xương) hiện có 7 trang trại và 100 gia trại chăn nuôi tổng hợp. Xác định “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Hùng, hộ chăn nuôi gà đẻ cho biết: Khi được chính quyền thông báo thực hiện tháng khử trùng, tiêu độc, tôi đã vệ sinh toàn bộ trang trại, phun hóa chất nền chuồng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi. Nhờ đó, đàn gà sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với trang trại nuôi lợn của ông Đỗ Văn Hội, xã Xuân Hòa (Vũ Thư), để ngăn ngừa dịch bệnh, trang trại không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, bổ sung chế độ ăn hợp lý cho đàn lợn theo từng giai đoạn sinh trưởng. Ông Hội chia sẻ: Cứ vào dịp tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm, thời tiết chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Vì vậy, ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc- xin, tôi còn phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại 2 lần/tuần; rắc vôi bột xung quanh khu vực ra vào, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch nên đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

Không chỉ ông Hùng, ông Hội, nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh cũng đã tích cực thực hiện khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, nhất là trong thời điểm giao mùa. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có hơn 60.000 con trâu, bò, gần 700.000 con lợn và khoảng 14 triệu con gia cầm. Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi cho biết: Thời điểm này là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp khiến vật nuôi dễ mắc bệnh. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại là giải pháp hiệu quả nhằm tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan. 

Trong tháng 3/2025, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt triển khai “Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi”, tiếp nhận và cấp phát 13.000 lít hóa chất từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh cho các xã, thị trấn. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi và môi trường. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi khuyến cáo người dân cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi phun hóa chất và rắc vôi bột, bảo đảm phun kỹ, ướt đều nền, tường, mái chuồng...Ngoài tháng cao điểm, các hộ dân nên duy trì việc vệ sinh, tiêu độc định kỳ mỗi tuần một lần trong điều kiện bình thường, tăng tần suất nếu phát hiện nguy cơ dịch bệnh. 

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cùng ý thức chủ động của người dân, công tác khử trùng, tiêu độc trong chăn nuôi những tháng đầu năm 2025 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ hiệu quả thực tế cho thấy, các trang trại, hộ chăn nuôi - nhất là quy mô lớn - cần coi vệ sinh, khử trùng, tiêu độc là việc làm thường xuyên, xuất phát từ lợi ích thiết thực của chính mình để bảo vệ đàn vật nuôi, hướng tới chăn nuôi an toàn, hiệu quả, bền vững.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày