Thứ 3, 06/05/2025, 17:03[GMT+7]

Cần điều chỉnh quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro

Thứ 3, 06/05/2025 | 12:25:09
285 lượt xem
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc sửa đổi quy định phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro (thấp, trung bình và cao) là bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, tiến tới hài hòa với các quy định về quản lý chất lượng trên thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình. (Ảnh: BÙI GIANG).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, quá trình tổng kết, đánh giá sau 17 năm thực hiện cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.

Theo đó, để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa giữa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về áp dụng pháp luật: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến an toàn, kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải tuân thủ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị...

Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Khả năng gây mất an toàn có thể xẩy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố: bản chất hóa học, vật lý, sinh học; kết cấu, nguyên lý hoạt động; quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.

Quang cảnh phiên họp tại hội trường sáng 6/5. (Ảnh: BÙI GIANG).

Cũng theo tờ trình, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử. Do đó, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm khái niệm về “mã số, mã vạch”; “truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy vết sản phẩm”, “mã truy vết địa điểm”; “nhãn hàng hóa”, “nhãn điện tử” và “hộ chiếu số của sản phẩm”, vào Điều 3 về giải thích từ ngữ.

Đồng thời, bổ sung Điều 7b về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu tại Chỉ thị 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo, và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dự thảo Luật quy định phân loại sản phẩm, hàng hóa theo khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 và sản phẩm, hàng hóa nhóm 2). Theo cơ quan thẩm tra, các nguyên tắc quản lý quy định tại dự thảo còn cứng nhắc, không phù hợp.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nguyên tắc phân loại sản phẩm, hàng hóa cần điều chỉnh theo hướng quản lý theo mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.

Việc đánh giá mức độ rủi ro thực hiện theo: (i) hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO); (ii) dựa trên cảnh báo của tổ chức quốc tế có liên quan đối với sản phẩm, hàng hóa; (iii) khả năng quản lý của cơ quan nhà nước trong từng thời kỳ. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa nên được quản lý mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao. Việc sửa đổi quy định phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro là bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, tiến tới hài hòa với các quy định về quản lý chất lượng trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: BÙI GIANG).

Có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng các biện pháp quản lý chuyên ngành theo pháp luật chuyên ngành, bảo đảm không chồng chéo, phù hợp với thông lệ quốc tế và không gây rào cản kỹ thuật không cần thiết; và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để tạo sự linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tán thành sự cần thiết quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật), song cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ phạm vi bắt buộc và khuyến khích, tự nguyện ứng dụng công nghệ; quy định rõ những sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng nhãn điện tử, truy xuất nguồn gốc, hộ chiếu số; những sản phẩm khuyến khích áp dụng để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị; đề nghị có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển nền tảng số sử dụng chung, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Về xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đa số ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong thời gian qua có nhiều sản phẩm, hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhưng kém chất lượng là do công tác hậu kiểm còn yếu, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe.

Do đó, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm như tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cảnh báo xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày