Thứ 2, 28/04/2025, 16:47[GMT+7]

Cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn khủng hoảng lan rộng ở Sudan

Thứ 2, 28/04/2025 | 11:06:02
253 lượt xem
Hội nghị quốc tế về Sudan vừa diễn ra tại London (Anh), với sự tham gia của khoảng 15 quốc gia và các tổ chức quốc tế, đã kêu gọi các bên ở Sudan ngừng bắn ngay lập tức và vĩnh viễn, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang chính quyền dân sự ở quốc gia Đông Phi này. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Sudan bước sang năm thứ ba và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự mới đây tuyên bố thành lập một “chính phủ song song” ở Sudan, cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình leo thang căng thẳng đẩy nước này ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.

(Ảnh: AP)

Cuộc xung đột giữa quân đội Sudan, do Tướng Abdel Fattah Al-Burhan đứng đầu, và RSF nổ ra vào tháng 4/2023 do bất đồng liên quan quá trình chuyển tiếp chính trị dự kiến ở Sudan.

Hơn hai năm giao tranh đã khiến hàng chục nghìn người chết, hơn 15 triệu người phải đi lánh nạn và đẩy Sudan vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Hơn hai năm giao tranh đã khiến hàng chục nghìn người chết, hơn 15 triệu người phải đi lánh nạn và đẩy Sudan vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Các cơ quan Liên hợp quốc cảnh báo Sudan đang tiến gần đến nạn đói, với hệ thống y tế sụp đổ và con số người chết khó xác định. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), ít nhất 8.000 người được báo cáo mất tích tại Sudan trong năm 2024. Chỉ trong hai ngày 11 và 12/4 vừa qua, hơn 114 dân thường chết trong các cuộc tấn công do RSF tiến hành nhằm vào hai trại di tản ở thành phố El Fasher, thủ phủ bang Bắc Darfur, miền Tây Sudan.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo tuyên bố thành lập một chính phủ song song, mà theo ông này sẽ “đại diện cho một hiến chương chính trị và một hiến pháp chuyển tiếp mang tính lịch sử cho một Sudan mới”.

“Chính phủ song song” này dự kiến công bố các loại tiền mới và cung cấp giấy tờ tùy thân, đồng thời kêu gọi sự công nhận của Liên minh châu Phi (AU). Tuyên bố được đưa ra gần hai tháng sau khi RSF cùng các nhóm chính trị và vũ trang đồng minh ký kết “một hiến chương chính trị” tại Nairobi (Kenya). Việc RSF tuyên bố thành lập một chính phủ song song với chính phủ ở thủ đô Khartoum khiến tình hình Sudan rối ren và phức tạp hơn.

Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Stephanie Tremblay nhận định, điều này sẽ không đưa Sudan đến gần hơn với giải pháp cho cuộc xung đột, vốn chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại có ý nghĩa và toàn diện.

Tình hình nhân đạo ở Sudan ngày càng tồi tệ và đáng lo ngại khi nạn đói và dịch bệnh đang bùng phát có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực. Theo số liệu sơ bộ của Liên hợp quốc, khoảng 30,4 triệu người, tương đương hai phần ba dân số Sudan, đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, 80% số bệnh viện ở các khu vực xung đột không còn hoạt động, hàng triệu người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu, trong khi dịch bệnh đang bùng phát.

Sudan là trung tâm của châu Phi cho nên đây không chỉ là vấn đề khu vực, bởi nếu không thể khống chế cuộc khủng hoảng này, nhiều người Sudan sẽ phải di dời đến miền Nam châu Phi, vùng Vịnh và châu Âu, gây mất an ninh trên diện rộng. Hiện nay cứ 10 người tị nạn trên thế giới thì có một người đến từ Sudan, cho thấy mức độ tàn khốc của cuộc khủng hoảng hiện nay ở quốc gia Đông Bắc Phi.

Trước thực tế đáng báo động ở Sudan, hội nghị quốc tế tại London kêu gọi bảo vệ sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan. Các quốc gia đã đưa ra cam kết viện trợ nhân đạo mới trị giá hơn 800 triệu euro cho Sudan, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cung cấp 522 triệu euro, Anh cung cấp 120 triệu bảng, Đức 125 triệu euro và Pháp 50 triệu euro.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ trước tình hình nghiêm trọng ở Sudan. Nhiều quan chức khác cũng kêu gọi các bên liên quan ở Sudan bảo vệ dân thường và tạo điều kiện cho cung cấp viện trợ nhân đạo.

Sudan đang rơi vào cuộc khủng hoảng đói nghèo và di cư tồi tệ nhất thế giới. Các cuộc giao tranh liên tục ở Sudan làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng lan ra bên ngoài biên giới, tạo thêm bất ổn ở khu vực Sừng châu Phi vốn đã nghèo đói. Hòa bình ở Sudan chỉ có thể đạt được thông qua ngừng bắn vô điều kiện và các cuộc hòa đàm toàn diện.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về dòng vũ khí và chiến binh “chảy” vào Sudan khiến xung đột tiếp diễn và lan rộng.

Ông Guterres kêu gọi chấm dứt sự hỗ trợ từ bên ngoài, đồng thời cho rằng những người có ảnh hưởng lớn nhất đến các bên tham chiến cần thúc đẩy đối thoại, chấm dứt xung đột.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày