Chủ nhật, 04/05/2025, 15:24[GMT+7]

Thông điệp buồn với kinh tế thế giới

Chủ nhật, 04/05/2025 | 08:50:03
325 lượt xem
Giá dầu thế giới đã liên tiếp giảm điểm nhiều phiên trong những tuần gần đây và tiếp tục giảm khoảng 2% trong những ngày cuối tháng 4. Giá dầu giảm là chỉ dấu cho thấy sức khỏe kinh tế toàn cầu đang yếu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,61 USD (2,4%), chốt phiên ở mức 64,25 USD/thùng trong những ngày cuối tháng 4. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,63 USD/thùng (2,6%), xuống còn 60,42 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 10/4. Trong khi đó, giới phân tích và các tổ chức quốc tế dự báo vàng đen còn tiếp tục giảm giá khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gọi là OPEC+ sẽ tăng sản lượng; trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dầu không thể tăng vì chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm suy yếu kinh tế thế giới.

Bất chấp giá dầu giảm, một số thành viên của OPEC+ dự kiến sẽ đề xuất tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6 tới - tháng tăng thứ hai liên tiếp. Trên thực tế, trong quý đầu năm nay, Kazakhstan - một thành viên của OPEC+ đã tăng xuất khẩu dầu thêm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng sản lượng thông qua tuyến ống dẫn dầu Caspi. 

Các tổ chức quốc tế và giới phân tích nhận định rằng, sản lượng tăng cùng với nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay là hai nguyên nhân chính khiến giá vàng đen giảm mạnh. Giá dầu giảm đã làm bốc hơi lợi nhuận của nhiều hãng sản xuất dầu khí. Tập đoàn dầu khí BP (Anh) ghi nhận lợi nhuận ròng quý I/2025 giảm mạnh hơn dự kiến, với mức sụt giảm 48%, còn 1,4 tỷ USD, do mảng lọc dầu và kinh doanh khí đốt hoạt động yếu.

Theo hãng tin Reuters, hầu hết các nhà phân tích đã hạ mạnh dự báo về nhu cầu và giá dầu trong năm nay bởi Trung Quốc - quốc gia bị đánh thuế cao nhất - đã đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, làm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới leo thang. Khi hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc suy yếu vì chiến tranh thương mại, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tháng 4 vừa qua trong báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế thế giới cho rằng tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 2,8% trong năm nay, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.

Trong năm tới, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3%, giảm 0,3 điểm phần trăm. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 1,8% trong năm nay, giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức công bố hồi tháng 1. Tăng trưởng GDP tại nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,7% vào năm 2026. Định chế tài chính quốc tế này nhấn mạnh các dự báo trên được đưa ra do bất ổn về chính sách gia tăng gây căng thẳng thương mại khiến nguồn cầu yếu hơn.

Việc sức khỏe kinh tế thế giới suy yếu khiến giới phân tích không lạc quan vào triển vọng của giá vàng đen. 

Trả lời phỏng vấn báo The National News cuối tháng 4 vừa qua, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) Fatih Birol cảnh báo rằng: “Giá dầu sẽ tiếp tục suy giảm. Giá dầu có thể chịu áp lực giảm nữa vì sự không chắc chắn của chiến tranh thương mại. Với quỹ đạo như hiện nay vẫn tiếp diễn, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng theo cách tiêu cực”. 

Trong khi đó, theo kịch bản cơ sở về dự báo kinh tế cho năm 2025, Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 68 USD/thùng, giảm mạnh so với mức 81,7 USD/thùng được đưa ra trong dự báo tháng 9/2024. Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga cũng dự báo giá dầu Urals, loại dầu chủ lực của Nga, ở mức 56 USD/thùng, thấp hơn mức 69,7 USD/thùng mà Nga đã sử dụng để xây dựng ngân sách năm 2025. 

Trước đó, Ngân hàng trung ương Nga đã cảnh báo giá dầu có thể thấp hơn dự báo trong vài năm tới do nhu cầu thế giới giảm.

Việc giá dầu giảm mạnh không chỉ là một “thông điệp buồn” với kinh tế thế giới mà còn có nguy cơ giảm đầu tư vào khai thác, gây bất ổn nguồn cung dầu trong tương lai. Giám đốc điều hành IAE Fatih Birol vừa cảnh báo rằng, áp lực địa chính trị gia tăng từng ngày là một thách thức đối với an ninh năng lượng và thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung dầu khí và các khoáng sản quan trọng. 

Trong bối cảnh sự phân mảnh địa chính trị đang thật sự gia tăng như hiện nay, cộng đồng quốc tế cần phải tìm ra điểm chung giữa các quốc gia để cùng hóa giải thách thức nêu trên, bảo đảm ổn định giá dầu cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi lịch sử đã cho thấy không quốc gia nào có thể một mình tự giải quyết vấn đề năng lượng và thương chiến, xung đột giữa các quốc gia luôn là lực cản đối với kinh tế toàn cầu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày