Thứ 5, 29/05/2025, 14:35[GMT+7]

Liên hợp quốc: Cuộc cải tổ vì tương lai

Thứ 4, 28/05/2025 | 08:39:00
592 lượt xem
Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trước những thách thức toàn cầu và lỗ hổng thiếu hụt tài chính ngày càng gia tăng, một cuộc cải tổ sâu rộng được xem là yêu cầu cấp thiết, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, củng cố vai trò “người thuyền trưởng” của tổ chức 193 thành viên.

Tại phiên thảo luận mới đây về sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc UN80, ông Guterres nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc Liên hợp quốc cần nhanh chóng thay đổi để nâng cao khả năng ứng phó trước các thách thức toàn cầu trong bối cảnh mới. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ Sáng kiến UN80 với ba trọng tâm chính gồm: Nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các biện pháp tiết kiệm chi phí, tinh gọn bộ máy và giảm chồng chéo; rà soát cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao phó; điều chỉnh cơ cấu trong toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc.

Theo ông Guterres, thay đổi nêu trên không chỉ nâng cao hiệu suất, giải quyết tình trạng chồng chéo và sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả, mà còn tiết kiệm đáng kể ngân sách hoạt động. Một trong những đề xuất đáng chú ý là giảm 20% nhân sự tại các bộ phận phụ trách chính trị và gìn giữ hòa bình bằng cách loại bỏ vị trí trùng lặp chức năng. Ngoài ra, phương án di dời một số văn phòng từ thành phố lớn tới khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn cũng được xem xét để tiết kiệm ngân sách.

Đây không phải lần đầu bài toán cải tổ Liên hợp quốc được mang ra bàn thảo. Tuyên bố Thiên niên kỷ, được Liên hợp quốc thông qua năm 2000, từng đề cập vấn đề này, trong đó nhấn mạnh nỗ lực thực hiện cuộc cải tổ toàn diện Hội đồng Bảo an. Được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thách thức hàng đầu, chủ đề nêu trên cũng nhiều lần được đặt trên bàn nghị sự của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Các nội dung cải cách bao gồm tăng cường vai trò của Đại hội đồng, cải tổ Hội đồng Bảo an, Ban Thư ký, phương thức làm việc, tài chính…

Dù được quan tâm nhưng giới chuyên gia cho rằng, thời gian qua, công cuộc cải tổ Liên hợp quốc diễn ra chậm chạp với những bước đi thận trọng. Trong khi đó, với biến chuyển khôn lường của tình hình thế giới hiện nay, vấn đề này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Giới phân tích cho rằng, đây vừa là đòi hỏi bức thiết của bản thân Liên hợp quốc, vừa là yêu cầu khách quan từ tình hình quốc tế.

Nỗ lực cải tổ diễn ra trong bối cảnh Liên hợp quốc đang đối mặt thách thức nghiêm trọng về tài chính. Tính đến đầu tháng 5/2025, Liên hợp quốc mới chỉ nhận được chưa đến 50% trong tổng số 3,5 tỷ USD ngân sách thường niên năm 2025. Trong khi đó, các nhà tài trợ lớn đang cắt giảm viện trợ. Theo Giám đốc Nhóm Khủng hoảng quốc tế của Liên hợp quốc Richard Gowan, nếu xu hướng nêu trên tiếp diễn, tổ chức này có thể phải đối mặt mức cắt giảm ngân sách 20% trong năm 2026.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới hiện nay đã có nhiều thay đổi cơ bản so với thời điểm Liên hợp quốc được thành lập cách đây 80 năm. Những căng thẳng địa chính trị, thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và ngày càng gay gắt…, đặt ra thách thức vượt tầm kiểm soát của mỗi quốc gia, cần phải dựa trên cơ chế đa phương để giải quyết. Vì vậy, để giữ vững vai trò “nhạc trưởng”, cải tổ trở thành hướng đi không thể đảo ngược đối với Liên hợp quốc.

Không thể phủ nhận những thành tựu đáng tự hào mà Liên hợp quốc đã gặt hái được trong 80 năm qua. Chính thức được thành lập vào năm 1945, Liên hợp quốc đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh và xây dựng một thế giới công bằng, tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn nhân loại. Là “mái nhà chung” của 193 quốc gia thành viên, Liên hợp quốc luôn giữ vai trò trung tâm, là cầu nối góp phần hạ nhiệt nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực từ an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân quyền…

Được thành lập sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc để lại vô vàn đau thương và mất mát, Liên hợp quốc đã thắp lên hy vọng về một thế giới hòa bình, thịnh vượng cho tất cả người dân trên thế giới. 80 năm đã trôi qua, với những nỗ lực không ngừng của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, nhiều điều trước đây chỉ là ước vọng, nay đã trở thành hiện thực. Trước bối cảnh mới, yêu cầu cải tổ sâu rộng hiện nay là thách thức song cũng là cơ hội để Liên hợp quốc tăng cường hiệu quả hoạt động, tiếp tục góp phần xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày