Thứ 5, 22/05/2025, 19:51[GMT+7]

Việt Nam thuộc 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới

Thứ 5, 22/05/2025 | 16:41:02
324 lượt xem
Hôm nay (22/5), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2025 với chủ đề "Harmony with nature and sustainable development" (Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho rằng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học do Liên Hợp Quốc phát động. Sự kiện khẳng định vị thế của Việt Nam – một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ về hành động bảo tồn "báu vật toàn cầu" trước những thách thức ngày càng gia tăng.

Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, sinh kế người dân và phát triển các ngành kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, dược liệu. Các hệ sinh thái tự nhiên không chỉ cung cấp nguyên liệu xây dựng, nhiên liệu, dược liệu mà còn tạo nên cảnh quan đẹp, là nền tảng cho phong tục tập quán tốt đẹp và đảm bảo phát triển bền vững.

Dù sở hữu kho tàng sinh học quý giá, Việt Nam đang đối mặt với sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và xâm lấn loài ngoại lai. Những yếu tố này đe dọa các hệ sinh thái, gây mất cân bằng sinh thái và giảm nguồn gen quý hiếm. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm: "Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của cả cộng đồng, không chỉ vì lợi ích quốc gia mà còn vì cam kết quốc tế".

Bên cạnh những kết quả Việt Nam đạt được, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện, UNDP Việt Nam cho rằng, đa dạng sinh học của Việt Nam là "báu vật toàn cầu đang bị đe dọa", nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang chịu áp lực ngày càng tăng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây không chỉ là mối quan tâm của quốc gia mà nó phản ánh một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

"Mất đa dạng sinh học đe dọa đến các yếu tố nền tảng quan trọng của nền kinh tế, an ninh lương thực và sức khỏe của con người", ông Patrick Haverman nói.

Cùng nhận định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho hay, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Những tổn thất này là không thể đảo ngược nếu chúng ta không hành động kịp thời và kiên quyết, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, Ninh Bình là một trong những địa phương được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, phân thành 5 hệ đặc trưng: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái vùng đồng bằng, hệ sinh thái các thủy vực và hệ sinh thái vùng ven biển. Các hệ sinh thái đều mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học.

Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ môi trường...

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác phát triển và bảo tồn động vật tại Vườn Quốc gia Cúc Phương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhân Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế xanh, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, hướng đến mục tiêu phục hồi và đảm bảo tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, bền vững.

Thúc đẩy khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát và phục hồi hệ sinh thái, như: xây dựng cơ sở dữ liệu số về đa dạng sinh học quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rạn san hô, rừng đầu nguồn; hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ứng dụng công nghệ trong quản lý, theo dõi động thực vật quý

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ nguồn gen và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học, lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống trường học... Kịp thời phát hiện, đề xuất và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo: baochinhphu.vn